Tài khoản
Đăng nhập Tạo tài khoản

Phật giáo và những điều cần biết

06/06/2022 Đăng bởi: Đặng Giang

 

Phật giáo hướng con người đến sống thật, không giáo điều, khiên cưỡng, dùng lòng từ bi và trí tuệ của bản thân để nhận thức, phán đoán và giải quyết vấn đề hướng tới mục tiêu sống an vui, thanh tinh.

I. Phật giáo là gì?

Phật Giáo hay đạo Bụt là một tôn giáo đồng thời cũng là một hệ thống triết học có nguồn gốc từ Ấn Độ bao gồm một loạt các giáo lý, tư tưởng triết học cũng như tư tưởng cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan, giải thích hiện tượng tự nhiên, xã hội, bản chất sự vật và sự việc; là giáo lý của Đức Phật, nhằm hướng dẫn và phát triển con người bằng cách làm cho thân tâm trong sạch (thông qua con đường Đạo Đức), làm cho thân tâm bình lặng (thông qua con đường Thiền Tập) và làm khai sáng tâm linh con người (thông qua con đường Trí Tuệ).

Mọi người từ mọi nơi trên thế giới đều có thể áp dụng những giáo lý và hướng dẫn của đạo Phật vào trong cuộc sống của mình, tùy theo căn cơ,  khả  năng, điều kiện và ý chí tự do của mình.

II. Lịch sử Phật giáo

Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ - cái nôi của rất nhiều văn hóa tôn sùng thần thánh cùng các quan điểm duy tâm và thần bí về thế giới và vũ trụ.

Người sáng lập ra đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) sinh năm 624 trước công nguyên thuộc dòng họ Thích Ca (Sakya), con vua Tịnh Phạn Vương Đầu Đà Na (Suddhodana) trị vì nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) xứ Trung Ấn Độ lúc đó và hoàng hậu Ma Da (Maya). 

Dù sinh ra định sẵn số phận sung túc nhưng Thái tử vẫn nhận ra sự đau khổ của nhân sinh, vô thường của thế sự nên Thái tử đã tìm đến đạo nhằm tìm ra căn nguyên của khổ đau và phương pháp diệt trừ đau khổ để giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Sau nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu, Thái Tử nhận ra rằng phương pháp tu hành của các vị đó đều không thể giải thoát cho con người hết khổ được. 

Cuối cùng, Thái tử đến ngồi thiền định suốt 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ đề và thề rằng “Nếu Ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Để rồi, Thái tử đã đạt được Đạo vô thượng, thành bậc “Chánh đẳng chánh giác”, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là ngày 08 tháng 12 năm Đức Phật 31 tuổi.

Do hiểu rõ sự ham muốn quyền lực của con người, Đức Phật chủ trương không giao quyền quản lý cho ai mà chỉ hướng dẫn đệ tử nương vào giáo lý, giáo luật để duy trì và tồn tại, những người theo Phật giáo được tập hợp trong tổ chức được gọi là Tăng Đoàn, trực tiếp nhận sự hướng dẫn của Đức Phật về giáo pháp và phương thức thực hành, tu tập.

Với triết lý linh hoạt, uyển chuyển và tính chất khai sáng Phật giáo được nhiều người tiếp nhận và có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh xã hội, nhiều tầng lớp giai cấp, nhiều phong tục tập quán ở các thời kỳ, đất nước khác nhau. Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ sang Tây Tạng, Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Không những vậy, Phật giáo còn ngày càng phổ biến trên toàn thế giới ngay cả trong các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ, Canada, Úc và châu Âu.

Trải qua hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển, đạo Phật đã du nhập vào trên 100 nước trên thế giới, ở hầu khắp các châu lục nhưng luôn với trạng thái ôn hoà, chưa bao giờ xảy ra các cuộc thánh chiến. Tính đến năm 2008, đạo Phật có khoảng 350 triệu tín đồ và hàng trăm triệu người có tình cảm, lòng tin, tín ngưỡng và có ảnh hưởng bởi văn hoá, đạo đức Phật giáo.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam

Vẫn chưa có nguồn tin chính xác xác định được cột mốc Phật giáo được ra đời ở Việt Nam. Xong theo như tài liệu và hiện vật khảo cổ tìm kiếm được đã chứng minh rằng , Phật giáo xuất hiện tại Việt Nam từ thế kỉ thứ 2 đến thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên. Được kể lại qua các truyền thuyết và truyện cổ tích. Lĩnh Nam Chích Quái (viết vào thời Trần và hiệu chỉnh thời Lê) có ghi truyện Chử Đồng Tử và Man Nương, trong đó Chử Đồng Tử, sống vào thời Hùng Vương được một vị tăng là Ngưỡng Quang truyền phép. Đạo Phật Nguyên thủy đầu tiên được truyền bá tại Giao Chỉ và Chăm Pa.

Trải qua hàng nghìn năm Phật giáo xuất hiện, suy thoái và phục hưng lại thì cho đến hiện tại, Phật giáo đã và đang trở thành tín ngưỡng của một bộ phận lớn người dân Việt Nam.

III. Giáo lý, giáo luật của đạo Phật

Phật giáo là một kho tàng kiến thức vĩ đại với vô vàn kinh sách. Tư tưởng chính mà các kinh sách này là hướng con người sử dụng lòng từ bi và trí tuệ để có cuộc sống yên bình, ấm no.

  • Giáo lý

Giáo lý của Phật giáo được chứa đựng trong Tam tạng:

Kinh tạng: Kinh là những lời của đức Phật Thích Ca đã nói khi còn tại thế, để dạy chúng sanh dứt trừ phiền não và đạt đến quả Niết Bàn, bao gồm 5 bộ chính: Trường Bộ kinh, Trung bộ kinh, Tương ưng bộ kinh, Tăng chi bộ kinh và Tiểu bộ kinh

Luật tạng: Luật là những giới luật mà Phật đã định ra cho các đệ tử, ngăn chừa các điều dữ, tu tập các điều lành, trau dồi thân tâm cho thanh tịnh.

Luận tạng: Luận là loạt sách phần nhiều do các đệ tử Phật môn làm ra để bàn luận, giảng giải rõ ràng nghĩa lý mầu nhiệm trong kinh, luật, phân biệt những lẽ phải của chánh đạo và tà đạo, khiến cho người đời khỏi nhận lầm phải trái, chánh tà.

Tiếp thu và luận giải đầy đủ Tam tạng để thấy rõ nguyện vọng của bản thân từ đó giải thoát mình và còn có thể giải thoát cho chúng sanh.

Giáo lý của Phật giáo có rất nhiều nhưng quan trọng phải kể đến Tứ Diệu đế, Lý nhân duyên, Nhân quả và luân hồi.

Tứ Diệu Đế hay còn có tên khác là Tứ Thánh Đế gồm 4 giải thích về sự khổ trong luân hồi: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Tứ diệu đế là sự nhận thức đúng đắn các loại khổ đau, nguyên nhân dẫn đến khổ đau, trạng thái không có khổ đau và con đường để thoát khỏi đau khổ. Con người chỉ có nhận thức đúng về đau khổ mới có thể thoát được đau khổ. Thoát khỏi vô minh thì hết đau khổ. 

Lý nhân duyên: Nhân duyên là một định lý, theo đó mọi sự vật trong vũ trụ đều có nhân duyên phối hợp với nhau mà thành, khi nhân duyên đã hết sự vật ấy sẽ không còn. 

Nhân quả và luân hồi: Mọi sự việc đều là sự biểu hiện của luật nhân - quả. Gieo nhân nào gặp quả nấy. Nghĩa là mọi sự việc đều là kết quả từ nguyên nhân trước đó. Sự việc đó chính nó lại là một nguyên nhân của kết quả sau này. Nhân có khi còn gọi là nghiệp, và một khi đã gieo nghiệp thì ắt sẽ gặt quả.

  • Giáo luật

Một đoàn thể có tổ chức, có lý tưởng, có thành viên, phải có quy ước hoặc hiến chương của tổ chức ấy. Một tổ chức kiện toàn hay không chỉ cần xem các nội dung của quy ước hoặc hiến chương của nó có kiện toàn hay không.

Nhằm mục đích hướng nhân loại tới chân-thiện-mỹ, Phật giáo có đưa ra các quy định để ổn định tăng đoàn.

Cốt lõi của giáo luật Phật giáo là “Ngũ giới”“Thập thiện”.

- Ngũ giới là 5 giới cấm:

+ Không sát sinh

+ Không vọng ngữ

+ Không tà dâm

+ Không trộm cắp

+ Không uống rượu

- Thập thiện là mười điều thiện nên làm, trong đó:

+ Ba điều thiện về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm;

+ Bốn điều thiện về khẩu: không nói dối, không nói hai chiều, không nói điều ác, không nói thêu dệt;

+ Ba điều thiện về ý: không tham lam, không giận dữ, không tà kiến.

Trên cơ sở của quy định Ngũ giới và Thập thiện, Phật giáo đã quy định chi tiết và cụ thể đối với từng loại xuất gia.

IV. Các tông phái

Phật giáo là một tôn giáo với nhiều tông phái. Từ căn cơ và nguyện vọng chúng sanh bất đồng mà Phật giáo chia làm hai hệ phái lớn là: Phật giáo Nam tông (phái Tiểu thừa) và Phật giáo Bắc tông (phái Đại thừa). Từ hai hệ phái này, Phật giáo lại phân chia thành nhiều tông phái, sơn môn khác nhau.

Phái Tiểu thừa chủ trương chỉ những người xuất gia tu hành mới được cứu vớt. Phái này cho rằng những người theo Tiểu thừa phải tự giác ngộ, tự giải thoát cho bản thân mình, không thể giải thoát cho người khác. Phật giáo phái Tiểu thừa phát triển mạnh mẽ ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và một phần Việt Nam.

Phái Đại thừa được gọi là tôn giáo cải cách. Phái này cho rằng mỗi người không chỉ cứu vớt bản thân mà còn  không chỉ những người xuất gia tu hành mà cả những phật tử cũng được cứu vớt. Phật giáo phái Đại thừa đang được truyền bá và lan rộng ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật bản, Triều Tiên, Đài Loan, Tây Tạng,...

VI. Kết luận

Phật giáo hướng con người tới cái thiện lành, dùng trí tuệ để nhận thức đúng đắn về cái thiện, cái ác, dùng lòng từ bị để giải quyết mọi việc. 

Phật giáo dẫn dắt chúng ta đến cái tâm thanh thản, sống vị tha và đúng chuẩn mực đạo đức, tự giác ngộ đồng thời lan tỏa đến những người xung quanh. 

Kinh Phật có ghi rằng Đức Phật từng tiên tri giáo pháp của ông sẽ tồn tại được 5.000 năm. Bởi qua thời gian lâu dài, các thế hệ tăng ni - Phật tử sau này tiếp nhận các giáo lý cũng ngày càng bị pha tạp hoặc bị hiểu nhầm. Dần dần đến thứ cốt yếu - những giới luật thanh tịnh - cũng sẽ không còn nguyên vẹn, khi giới luật mất đi thì cũng là lúc đạo Phật bị tiêu hoại. 

Sự hoại diệt này cũng đã từng xảy ra với giáo pháp của tất cả những vị Phật trong quá khứ. Phật Thích ca cũng tiên tri rằng: trong một tương lai rất xa nữa, khi đạo Phật đã hoại diệt và sự tồn tại của Phật Thích Ca đã bị nhân loại lãng quên thì sẽ có vị Phật kế tiếp là Phật Di Lặc xuất hiện, một lần nữa truyền dạy lại đạo Phật cho nhân loại.

Xem thêm:
Viết bình luận của bạn:
Sản phẩm cao cấp Sản phẩm cao cấp
Cam kết chất lượng Cam kết chất lượng
Bảo hành nhanh chóng Bảo hành nhanh chóng
Giao hàng toàn quốc Giao hàng toàn quốc