Tài khoản
Đăng nhập Tạo tài khoản

Giải mã nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan

14/06/2022 Đăng bởi: Đặng Giang

 

Mỗi mùa lễ Vu Lan, những người dự lễ đều sẽ cài nhẹ lên ngực một đóa hoa hồng. Tùy vào hoàn cảnh mà mỗi người sẽ cài một bông hồng màu khác nhau.

Nguồn gốc

Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, nghi thức Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan xuất phát từ áng văn viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết vào những năm 1960.

Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Thấy rất mới lạ và sau khi tìm hiểu, biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962 và từ đó, bông hồng cài áo được chọn làm nghi thức cho lễ Vu Lan báo biếu.

Các đệ tử, sinh viên đã chép tay 300 bản, gắn thêm bông hoa màu hồng cho người còn mẹ còn cha, hay màu trắng cho người mất mẹ, mất cha, làm quà tặng cho bạn bè của họ. Rằm tháng 7 năm ấy họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, lễ bông hồng cài áo được tổ chức lần đầu tiên. 

Đoản văn Bông hồng cài áo được đăng nguyên bài lần đầu tiên trong Tập san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần, dưới tựa đề là Nhìn Kỹ Mẹ, sau đó Bông hồng cài áo được in nhiều lần nữa. Một số chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông hồng cài áo và nhiều năm sau trở thành nghi thức mỗi mùa Vu Lan.

Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối cho ra mắt độc giả quyển Bông hồng cài áo với khổ nhỏ dài để có thể bỏ vào phong bì gửi tặng bạn bè ngày Vu Lan và cuốn sách nhỏ này đã tái bản nhiều lần. Đây được coi như một món quà ý nghĩa để nhắc nhở bản thân cũng như những người xung quanh về lòng biết yên và tình yêu với cha mẹ. Đoản văn này đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dùng những áng văn trong bài văn của thiền sư để phổ nhạc thành công ca khúc Bông hồng cài áo, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng lễ Vu Lan lan truyền sâu rộng vào trong đời sống dân tộc. Từ đó, bài ca “Bông hồng cài áo” luôn được vang lên mỗi mùa lễ Vu Lan, Ca khúc với lời ca mộc mạc, gần gũi, nhưng cũng vô cùng cảm động, rất đỗi thân thương, chân thành về Mẹ.

Làng Mai (nguyên tên là Đạo tràng Mai thôn – do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập, là nơi tu hành và giảng dạy Phật giáo của Việt Nam), lễ Bông hồng cài áo tổ chức lần đầu vào năm 1983. Lễ này mang ý nghĩa báo hiếu, vinh danh Mẹ Cha. Người đến dự lễ được cài 2 bông hoa hồng: 1 dành cho Mẹ và 1 dành cho Cha (bông dành cho Cha sẽ cài cao hơn một chút so hoa dành cho Mẹ). Mẹ Cha không còn thì cài hoa trắng.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là tấm lòng yêu thương và đầy trân trọng mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Ý nghĩa 

Trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, ai còn cả cha và mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, còn được nhận cả tình yêu đầy đủ từ hai phía, được chăm lo, được chia sẻ, đồng thời cũng nhắc nhở những ai đang đeo bông hồng đỏ bên ngực hãy luôn trân trọng khoảnh khắc này, hãy luôn đối xử tốt với cha mẹ, đừng để cha mẹ phải đau lòng. 

Ai mất cha hoặc mẹ thì nhè nhẹ cài lên ngực mình đóa hồng nhạt. Tình yêu đã thiếu đi một phần, bông hồng cũng nhạt bớt một phần. Giờ chỉ còn một người dùng tình yêu và sự bao dung để che chở cho con.

Ai đã mất cả hai đấng sinh thành thì cài lên ngực mình hoa trắng buồn thương. Tuy thiếu đi tình yêu thương từ cha mẹ, bông hồng đã không còn màu nữa nhưng đóa hoa hồng trắng còn muốn nhắc nhở con người rằng phải sống thật hạnh phúc để cha mẹ ở trên cao cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện trần gian.

"Tôi không khóc khi cài hoa trắng

Vì trong hoa tôi thấy Cha mẹ Tôi cười"

Những người tu hành nơi cửa Phật, dịp lễ Vu Lan này sẽ cài hoa vàng. Không chỉ bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao đẹp này.

Theo đạo Phật, màu vàng là màu ghi nhớ. Nhớ đến công ơn nuôi dưỡng ngày đêm, nhớ đến những lời răn dạy nghiêm khắc nhưng thân thương, nhớ cái nhìn hiền từ của cha, nhớ vòng tay bao dung của mẹ. Nhớ rằng Phật dạy phổ độ chúng sinh. Vì coi tất cả chúng sinh là cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất là quả vị của những vị Phật tương lai. 

Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, giải thoát. Do đó, trongngày Vu Lan người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát.

Xem thêm:
Viết bình luận của bạn:
Sản phẩm cao cấp Sản phẩm cao cấp
Cam kết chất lượng Cam kết chất lượng
Bảo hành nhanh chóng Bảo hành nhanh chóng
Giao hàng toàn quốc Giao hàng toàn quốc