VIỆT LẠC
Tài khoản
Đăng nhập Tạo tài khoản

Đạo hiếu của người Việt

08/06/2022 Đăng bởi: Lê Sơn

“Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu

Có tổ tiên trước rồi sau có mình.”

“Ngó đâu ngó đó thì vui

Ngó về phụ mẫu bùi ngùi nhớ thương.”

Hiếu thảo với ông bà cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Trong văn hoá Việt Nam, hiếu là đạo được nêu rõ qua những câu ca dao mà gần như ai cũng biết. Đối với người Phật tử, có một ngày lễ lớn trong tháng bảy âm lịch, ngày rằm tháng bảy là ngày đại lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, ông bà còn tại thế hay đã khuất bằng nhiều hình thức tụng niệm, hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ.

Đức Phật dạy : “”Có năm nhiệm vụ người con phải làm: nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn mọi bổn phận người con, giữ gìn gia đình với truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự, và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.”.

Ngoài ra bổn phận của con cái, cách tự nhiên và giản dị nhất của lòng hiếu thảo là chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần sao cho cha mẹ an lạc, đồng thời hành thiện, như lời Phật dạy. Và như thế không cần đợi đến mùa Vu Lan báo hiếu,  chúng ta mới thực hiện đạo lý làm con. Phụng dưỡng, chăm sóc, vâng lời  cha mẹ, sống tốt là bổn phận chủ đạo của mỗi người con hiếu thảo và phải được thực hiên mỗi ngày trong cuộc đời của chúng ta.

Sự tích lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Bồ Tát Mục Kiền Liên, đại đệ tử của Đức Phật, đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân Ngài là bà Thanh Đề đã qua đời. Ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, Ngài đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của Ngài khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi để không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng nếu muốn cứu giúp bà, phải cầu xin oai lực của tất cả chư Tăng trong ngày Tự Tứ cùng nhau tụng kinh, hồi hướng phước báu đến cho bà.

“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Đức Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này ( Vu Lan Bồn Pháp). Ngày lễ Vu Lan ra đời từ đó.
Nghi thức Bông Hồng Cài Áo

Nghi thức “Bông Hồng Cài Áo” thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những người  mẹ còn tại thế với con cháu. Theo nghi thức này, các em trong Gia Đình Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ. Nếu bạn còn mẹ, bạn sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và thực sướng vui vì  bạn còn có mẹ. Một đoá hồng trắng sẽ được cài lên áo bạn khi bạn không còn mẹ trên đời.

Nghi thức này có ý nghĩa sâu sắc và hiệu quả trong việc giáo dục mọi người về lòng hiếu thảo và tình nhân ái. Nghi thức Bông Hồng Cài Áo  bắt đầu  từ một cuốn sách cùng tên của Thầy Thích Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó được phổ biến rộng khắp nhờ bản nhạc cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ.

Mùa Vu Lan năm nay, tôi hạnh phúc còn mẹ, còn cha. Mẹ đã trải qua nhiều cơn bệnh tật. Vẫn biết quy luật Sinh Lão Bệnh Tử, nhưng làm con không khỏi xót xa khi nghĩ đến  câu ca dao thuộc lòng ngày xưa còn bé:

” Mẹ già như chuối chín cây

Gió lay …”

Mùa Vu Lan tới, chúng ta cùng nguyện cầu an lạc cho các bậc sinh thành chúng  ta, cùng dành thời gian để trở về, gần gũi, quan tâm chăm sóc cha mẹ, ông bà nhé.

Ngoài lễ phật cầu nguyện ra, chúng ta cũng nên nhớ tới các công tác thiện nguyện như: giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, bệnh tật, v.v.. Làm nhiều việc thiện sẽ đem lại may mắn, an lành cho bản thân, bố mẹ, ông bà và những người thân khác.

Xem thêm:
Viết bình luận của bạn:
Sản phẩm cao cấp Sản phẩm cao cấp
Cam kết chất lượng Cam kết chất lượng
Bảo hành nhanh chóng Bảo hành nhanh chóng
Giao hàng toàn quốc Giao hàng toàn quốc